Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn
thân mến!
Chỉ
nay mai nữa thôi là sẽ đến ngày 30/04, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đát
nước. Ắt hẳn trong mỗi chúng ta, khi nhắc tới ngày này, đều gợi nhớ đến hình
ảnh của những anh giải phóng quân tươi trẻ đầy nhiệt huyết, hay các bác lính
trải đời giàu kinh nghiệm. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhớ tới
một bộ phận không nhỏ những người chiến sĩ cách mạng cho dù vẫn còn đang tuổi
ăn, tuổi ngủ nhưng đã góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ quê hương,
giành lại độc lập cho Tổ quốc. Đó chính là những người chiến sĩ thiếu niên anh
hùng. Trong tâm trạng đầy tự hào ấy, thư viện xin trân trọng giới thiệu đến
thầy cô và các bạn những dòng văn cảm xúc trong bộ sách “ Tuổi thơ dữ
dội” của nhà văn Phùng Quán.
“Tuổi thơ dữ dội” kể về cuộc đời chiến đấu
hoàn toàn có thật của những chiến sĩ thuộc tổ trinh sát Trung Đoàn Trần Cao
Vân, những chú bé chỉ mới trạc 13, 14 tuổi đời. Sách được chia làm 8 phần, mỗi
phần lại là một câu chuyện, về những người người lính nhỏ tuổi khác nhau.
“Tuổi thơ
dữ dội” là bản thiên anh hùng ca và là
khúc bi tráng của lớp trẻ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh dành độc lập. Nhân
vật chính của câu chuyện, cậu bé Mừng, vì một lý do hết sức trẻ con, thật sự
ngộ nghĩnh nhưng đồng thời cũng tràn đầy tình mẫu tử, ấy là tìm cây thuốc để
chữa trị bệnh cho mẹ, đã tham gia Vệ Quốc Đoàn không ngần ngại. Ngay cả trong
chiến tranh, tình mẫu tử cũng được vẽ nên thật thiêng liêng và đẹp đẽ. Thế
nhưng, mãi về sau, chỉ vì một chuyện hiểu lầm không đáng có, Mừng đã bị các anh
chiến sĩ, những người đồng đội của mình nghi là Việt Gian. Đọc cuốn sách này,có
lẽ các bạn cũng sẽ như tôi không bao giờ
quên được, cái cảm giác sống mũi cay xè, khóe mi ướt nhòe vì nước mắt khi đọc
lại những lời trăn trối cuối cùng của nhân vật Mừng trước khi em ra đi vào cõi
vĩnh hằng : “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt Gian nữa anh hí !”.
Mỗi người
học sinh chúng ta đang ngồi học tập nơi đây, có lẽ phải cảm thấy mình thật hạnh
phúc, vì được sống, được yêu thương trong vòng tay bạn bè, thầy cô, cha mẹ.
Nhưng những mảnh đời nhỏ bé, sinh ra và lớn lên trong thời kì loạn lạc, thì lại
không may mắn như vậy. Số phận của mỗi con người đôi khi lại rất nghiệt ngã, có
người sinh ra đã không còn cha mẹ, người khác lại bị ngược đãi đến cực cùng.
Chúng ta đọc mà như cảm thấy chính mình bị thương tổn. Các em, cho dù mỗi người
có một hoàn cảnh, một địa vị khác nhau trong xã hội, nhưng tất cả đều tin tưởng
vào Đảng, vào Cách Mạng, tự hào về một Việt Nam anh dũng, kiên cường, căm ghét
kẻ thù, giặc ngoại xâm, và hơn hết thảy, mọi trái tim đều hướng về một lí tưởng
sống cao đẹp: chiến đấu để giành lại mảnh đất thiêng liêng. “Tuổi thơ dữ dội”
của Phùng Quán được viết dành cho thế hệ đó.
Cảm ơn các thầy
cô giáo và các bạn đã chú ý lắng nghe!